Theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ, những dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 sẽ được nhận giá ưu đãi. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn về dịch bệnh, về giải phóng mặt bằng, về vận chuyển thiết bị khiến nhiều dự án không thể về đích kịp. Khi Quyết định 39 hết hiệu lực, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn chồng khó khăn.
Nhà máy điện gió Hanbaram Ninh Thuận đã hoàn thành thi công, lắp đặt, kết nối 29/29 trụ tuabin nhưng đến nay chỉ 6/29 trụ kịp được công nhận vận hành thương mại. Việc về đích sau ngày 1/11/2021 khiến nhà máy không được hưởng ưu đãi về giá điện theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng Chính phủ, hiện 23 trụ tuabin còn lại vẫn đứng im do chưa có chính sách chuyển tiếp về giá. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều nhà máy điện gió.
Ông BÙI VĂN THỊNH, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận: “Như tôi đã nói vì Covid hay vì 1 lý do nào đó mà dự án đến nay đã hoàn thành nhưng trễ mất thời gian quy định thì đương nhiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam họ không thể nào mua điện được, vì họ không biết mua giá nào, hiện tại thì tất cả dự án đang bị dừng, bị dừng như vậy ảnh hưởng rất nhiều đến tuabin, thiết bị. Về mặt thương mại, dự án dừng, không có doanh thu trong khi nợ và lãi vay vẫn trả thì đây là khó khăn chồng chất khó khăn.”
Chia sẻ thêm với chúng tôi, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và điện mặt trời tỉnh Bình Thuận cho rằng, điện gió không tránh khỏi tổn thất nặng nề khi hơn 1/3 dự án không thể về đích với tổng công suất 2.000 MW, tương đương vốn đầu tư trên 3 tỉ USD. Các dự án này đang không biết đi về đâu, giá bán ra sao, trả nợ thế nào.
Ông BÙI VĂN THỊNH, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời tỉnh Bình Thuận: “Hiện nay, cơ chế giá fit cố định không còn và cơ chế đấu thầu giá chưa ban hànhm theo chúng tôi cần thiết phải có sự chuyển tiếp về giá trong giai đoạn hiện nay, sau khi chúng ta hết hạn giá fit và cơ chế đấu thầu chưa ban hành. Giải pháp, kiến nghị mà chúng tôi mong muốn đó là các đơn vị có trách nhiệm nghiên cứu chúng ta vẫn duy trì giá fit trong giai đoạn chuyển tiếp nhưng mỗi tháng giảm 1% để khuyến khích các dự án hoàn thành càng sớm càng có lợi.”
Ông HOÀNG TRỌNG THẠCH, Chỉ huy trưởng Công trình điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 Đắk Nông: “Doanh nghiệp chúng tôi đã đổ rất nhiều tiền của và tâm huyết vào dự án điện gió này. Mong muốn là dự án đang triển khai và dự án đã hoàn thành thì Nhà nước có cơ chế về giá điện cụ thể để doanh nghiệp có thể căn cứ vào tình hình nội tại của doanh nghiệp cũng như các vấn đề của pháp luật Việt Nam để triển khai tiếp”.
Áp lực về nguy cơ phá sản, nhiều nhà đầu tư mong chờ cơ chế chuyển tiếp giá, tuy nhiên dù đã kiến nghị nhiều tháng nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, nhiều tuabin gió dù đã hoàn thành nhưng lại ở trong cảnh đứng yên, đắp chiếu, gây lãng phí lớn.
Thực hiện : Lê Trang Nguyễn Minh
Nguồn: quochoitv.vn