Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành là cơ sở thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện chính sách.
Đồng thời còn là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp hoàn thiện hơn nữa về vai trò, nhiệm vụ của mình trong thời kỳ đổi mới.
Để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận về những kỳ vọng của doanh nghiệp sau khi Nghị quyết 41-NQ/TW được ban hành.
– Thưa ông, thông qua Nghị quyết 41-NQ/TW, ông nhận định như thế nào về vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị” và Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị thể hiện rõ quyết tâm của cấp lãnh đạo cao về việc này;
Chúng ta có thể thấy, một đất nước muốn hùng mạnh cần phải có các doanh nghiệp hùng mạnh; Nhật Bản, Hàn Quốc những thập niên cuối Thế kỷ 20 đã minh chứng cho điều này, họ lớn mạnh vì có những doanh nghiệp mang tầm vóc quốc tế. Doanh nghiệp hùng mạnh không chỉ đóng góp vật chất cho đất nước mà còn tạo công ăn việc làm cho xã hội, góp phần “an dân” và tạo những kênh quan hệ quốc tế trong xu hướng hội nhập toàn cầu hiện nay.
Để ngày càng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và tồn tại, lớn mạnh, các cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự đóng vai trò là “bệ đỡ” và hỗ trợ doanh nghiệp bằng những chính sách cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh doanh nghiệp tồn tại lâu dài để phát triển bền vững. Ngược lại, các doanh nghiệp trên con đường phát triển của mình cần luôn đặt “lợi ích quốc gia” lên cao nhất – đồng hành cùng đất nước để phát triển bền vững như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường chỉ đạo: “Lợi ích hài hòa – Rủi ro chia sẻ”.
– Với lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT) ngoài những thuận lợi, doanh nghiệp đang gặp những “điểm nghẽn” nào về cơ chế, chính sách cần Nhà nước tháo gỡ và hỗ trợ, thưa ông?
Nhìn lại thị trường NLTT vừa qua, chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc, giúp Việt Nam từ con số “0” về NLTT của 10 năm trước thành cường quốc phát triển về NLTT, năng lượng mới trong khu vực như hiện nay. Có được điều này, ngoài tiềm năng thiên nhiên dồi dào về nắng và gió, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp, tạo thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào lĩnh vực năng lượng mới đi theo đúng định hướng và cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên thực tiễn vừa qua đã xuất hiện những “điểm nghẽn” làm cho doanh nghiệp NLTT khó lớn mạnh và tiến xa hơn trong khi kỳ vọng của đất nước và quốc tế ngày càng nhiều vào lĩnh vực này.
Một là điểm nghẽn về “Cơ chế chính sách” khi các chính sách hỗ trợ phát triển (Cơ chế giá FIT) đã hết hạn từ lâu nhưng chưa có cơ chế nối tiếp; Hiện tại cơ chế đấu thầu đang là xu thế của thế giới nhưng chưa ban hành ở Việt Nam. Có thể thấy khoảng trống chính sách đang làm cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp NLTT bơ vơ và suy giảm niềm tin, làm lãng phí nguồn lực tự nhiên và xã hội sau giai đoạn phát triển thần kỳ như 2017-2021.
Hai là chưa có “hành lang pháp lý” rõ ràng, minh bạch về các quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia, quy hoạch cấp ngành và quy hoạch cấp tỉnh, vẫn còn việc chồng lấn các dự án NLTT với các Quy hoạch khác; Một số quy định pháp lý vẫn còn chồng chéo và xung đột dẫn đến có doanh nghiệp NLTT đang phải vướng vòng lao lý do không nắm bắt hết được chủ trương, chính sách phát triển của ngành để định hướng cho lộ trình đầu tư cho doanh nghiệp mình.
Ba là “Hạ tầng kỹ thuật” chưa đáp ứng và đồng bộ với sự phát triển của NLTT, nhiều tuyến đường dây giải tỏa công suất đã bị chậm tiến độ dẫn đến nhiều dự án NLTT đang bị cắt giảm công suất và không thể cân đối được tài chính….
>> Nghị quyết 41-NQ/TW “kim chỉ nam” để doanh nghiệp phát triển
– Trước những khó khăn nêu trên, ông có những nguyện vọng nào cần đề xuất?
Nghị quyết 41 nhấn mạnh, cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp.
Do đó để giúp các doanh nghiệp NLTT có thể tồn tại và phát triển lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường và thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ, tôi đề xuất trước mắt các cơ quan quản lý Nhà nước cần gấp rút có giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn nói trên.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến NLTT để có cơ sở thực hiện. Các cơ quan chức năng thực thi cũng cần có sự thấu hiểu, chia sẻ hơn với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, rút gọn thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn