Mặc dù nền kinh tế đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, mùa nắng nóng cũng đang đến gần, kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Tuy nhiên các nhà máy điện gió tại các tỉnh như Bạc Liêu, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương… vẫn còn tình trạng cắt giảm sản lượng công suất phát từ 10- 20% gây lãng phí nguồn lực xã hội. Nhằm biết thêm kế hoạch và khả năng truyền tải của toàn hệ thống điện năm 2022, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có nội dung phỏng vấn ông Phạm Lê Phú – TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia xung quanh vấn đề này.
– Thưa ông, nhằm nâng cao chất lượng truyền tải, giúp giải tỏa công suất phát tại một số tỉnh đang dư thưa nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ thực hiện những kế hoạch nào trong năm 2022?
Để giải tỏa công suất các nguồn NLTT phát triển mạnh trong thời gian qua và thời gian sắp tới, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đề ra kế hoạch và đang tập trung triển khai các dự án đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (là các khu vực phát triển mạnh các nguồn NLTT).
Đối với khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong năm 2022 EVNNPT sẽ hoàn thành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT trên địa bàn; nâng công suất các trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku 2 và Đăk Nông (tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành nâng công suất 01 MBA tại mỗi trạm từ 450 MVA lên 900 MVA và sẽ hoàn thành nâng công suất MBA còn lại của các trạm này vào cuối năm 2022); Tiếp đó là trạm biến áp 220kV Cam Ranh, cùng các đường dây 220kV Quảng Ngãi – Quy Nhơn, Ninh Phước – Thuận Nam, Dốc Sỏi – Quảng Ngãi, Krông Buk – Nha Trang, Nha Trang – Tháp Chàm…
Đối với khu vực Tây Nam bộ, EVNNPT đang tập trung triển khai các dự án phục vụ giải tỏa các nguồn điện gió trên địa bàn như các TBA 220kV Năm Căn, Vĩnh Châu, Duyên Hải cùng các đường dây đấu nối để hoàn thành mục tiêu trong năm 2022.
Đồng thời trong năm nay, EVNNPT cũng đã lập kế hoạch và đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công, thi công và đưa vào vận hành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT có kế hoạch đưa vào vận hành trong các năm tiếp theo gồm các dự án: TBA 500kV Quảng Trị, Krông Buk cùng các đường dây đấu nối; đường dây 500kV Thuận Nam – Chơn Thành; các đường dây 220kV Tuy Hòa – Quy Nhơn, Tuy Hòa – Phước An, Đa Nhim – Đức Trọng Di Linh; các TBA 220kV An Khê, Hòa Bình, Bến Cát 2…
Như vậy với các dự án lưới điện truyền tải được nâng cấp tại các địa phương trên sẽ hoàn thành trong năm 2022 và thời gian tới sẽ góp phần giải tỏa công suất và phát huy được hiệu quả của các nguồn NLTT trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Ông Phạm Lê Phú – TGĐ Tổng Công ty Truyền tải Quốc giakiểm tra dự án TBA 500kV Vân Phong (ngoài cùng bên phải)
– Ngoài nâng cấp các dự án, bổ sung đường dây, EVNNPT đã áp dụng chuyển đổi số vào quản trị như thế nào, thưa ông?
Tổng công ty đã xây dựng, ban hành quy trình và triển khai số hóa công tác sửa chữa, bảo dưỡng cho máy biến áp và máy cắt. Cùng với sử dụng phần mềm PMIS, EVNNPT đã triển khai 5 hệ thống phần mềm chính phục vụ công tác quản lý, vận hành lưới điện như; Hệ thống quản lý trạm biến áp bằng thiết bị thông minh, Hệ thống quản lý thí nghiệm, Hệ thống quản lý an toàn, Hệ thống quản lý sửa chữa lớn.
Trang bị máy chủ, phần mềm AI flatform cho hệ thống, đồng thời đã chỉ đạo các công ty truyền tải điện xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc triển khai phân tích hình ảnh, nhằm nâng cao hơn độ chính xác của hệ thống AI trong công tác nhận diện 20 đối tượng thiết bị trên đường dây. Thực hiện gán nhãn cho hơn 33.029 bức ảnh với hơn 60.233 nhãn gán cho 20 đối tượng thiết bị.
Ngoài ra chúng tôi còn thực hiện lắp đặt thí điểm camera giám sát và Thử nghiệm tích hợp AI trên hệ thống camera giám sát đường dây truyền tải điện, triển khai số hóa bản đồ lưới điện hiện trạng 220kV-500kV và ứng dụng AI tự động phân tích và cảnh báo hình ảnh thu thập được từ camera nhiệt tại các trạm biến áp. Đến nay tổng công ty đã hoàn thành chuyển đổi 109 trạm biến áp điều khiển xa. EVNNPT đã triển khai thành công trạm biến áp số tại Trạm biến áp 220 kV Thủy Nguyên – Hải Phòng, đây là trạm biến áp số đầu tiên tại Việt Nam.
– Được biết EVNNPT là chủ đầu tư các dự án lưới điện, đấu nối đồng bộ Dự án Trạm biến áp 500kV Vân Phong; Dự án đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân bàn giao vào tháng 12 năm 2022. Vậy EVNNPT sẽ thực hiện những giải pháp nào để dự án hoàn thành đúng tiến độ, thưa ông?
Đây là dự án trọng điểm, cấp bách cần hoàn thành đóng điện trong tháng 12/2022 nhằm giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và các nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực. Với khối lượng công việc rất lớn, địa hình thi công trải dài trên nhiều địa phương, đòi hỏi EVNNPT và các nhà thầu thi công phải tập trung tối đa nguồn lực và có những giải pháp phù hợp để đảm bảo tiến độ dự án này.
Về công tác Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) luôn là trở ngại, thách thức lớn khi thực hiện các dự án truyền tải điện, đặc biệt đối với các dự án đi qua địa bàn nhiều tỉnh thì nguy cơ chậm tiến độ do BTGPMB rất cao. Xác định trước những khó khăn nên ngay từ khi triển khai dự án, EVNNPT đã cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan làm việc trực tiếp với các địa phương có dự án đi qua (Tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận) để trao đổi thông tin, tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để sớm hoàn thành công tác này.
Đến thời điểm hiện tại, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương cùng sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, EVN và sự nỗ lực của đơn vị quản lý dự án nên công tác BTGPMB cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Một số khó khăn về giải phóng hành lang tuyến sẽ được EVNNPT phối hợp với các địa phương để tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới, mục tiêu là không để công tác BTGPMB làm chậm tiến độ dự án.
– Vậy về tiến độ thi công thì thực hiện như thế nào, thưa ông?
EVNNPT đã khẩn trương phê duyệt tổng tiến độ đối với từng dự án thành phần ngay sau khi khởi công để làm cơ sở điều hành. Trong điều hành, đối với từng dự án cụ thể, EVNNPT giao cho Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB), đơn vị được giao quản lý, điều hành dự án kiểm soát chặt chẽ các mốc tiến độ để điều hành và đưa ra các giải pháp cảnh báo, bù tiến độ trong trường hợp tiến độ thực hiện bị chậm. EVNNPT cũng chỉ đạo CPMB thành lập Ban điều hành dự án, cán bộ của ban điều hành thường xuyên có mặt tại hiện trường để kiểm soát tiến độ, chất lượng của dự án và phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công xử lý ngay những vướng mắc trong thẩm quyền cho phép, kịp thời báo cáo EVNNPT để có biện pháp tháo gỡ để vừa đảm bảo tiến độ, vừa tuân thủ các quy định hiện hành.
Ngoài ra, EVNNPT cũng đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương để đăng tải thông tin về dự án nhằm phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. EVN, EVNNPT cũng đã tổ chức lễ phát động thi đua nhằm phát huy tinh thần cao nhất của các đơn vị tham gia dự án, thăm hỏi, động viên người lao động trên công trường khắc phục khó khó khăn, phấn đấu hoàn thành các mốc tiến độ đề ra để đóng điện dự án trong tháng 12/2022.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn