(ĐTTCO)-Những dự án điện gió kịp hòa lưới hưởng giá FIT của Chính phủ cũng không thực sự thành công và những dự án lỡ hẹn càng trở thành gánh nặng của doanh nghiệp đầu tư.
Những trụ điện gió trăm tỷ chờ rỉ sét ở Tây Nguyên.
Trong 2 năm 2020-2021 là giai đoạn thành công đặc biệt của khu vực Tây Nguyên trong thu hút đầu tư, nếu tính theo giá trị các dự án được triển khai. Trong đó, chỉ riêng các dự án điện gió, đã rót vào khu vực hơn 85.000 tỷ đồng, cùng bao kỳ vọng về hiệu quả kinh tế, xã hội.
Thế nhưng, khi thời gian dành cho các dự án này đã hết, Tây Nguyên lại là vũng lầy của nhiều tồn đọng, bất cập. Những dự án kịp hòa lưới hưởng giá FIT của chính phủ cũng không thực sự thành công; những dự án lỡ hẹn càng trở thành gánh nặng của DN… cùng nhiều sai phạm của cách làm tắt, làm sai, đang chờ được điều tra, xử lý.
Trên trục Quốc lộ 14 – Đường Hồ Chí Minh qua huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, những tua bin điện gió trắng toát cao hơn trăm mét, nhưng hoàn toàn im lặng trên nền núi đồi xanh sẫm. Suốt nhiều tháng qua, mặc cho lượng gió nhiều ít, những tua bin này vẫn đứng im không phát kWh điện nào. Phía dưới mặt đất, những khoảng đồi bị san phẳng vẫn tập kết la liệt trụ gió và cánh quạt, nhưng phương tiện thi công lại hầu như vắng bóng.
Ông Chẩu Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Đrung 1, 2 và 3 cho biết, DN đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng tại đây, đặt cược vào việc hoàn thành và đấu nối trước 31/10/2021 và bán được điện với giá 1.928 đồng/1kWh. Nhưng công ty nhanh chóng nhận ra mình đã cược thua. Cuối tháng 10/2021, chỉ có vài trụ điện gió trong tổng số 89 trụ được hoàn thành. Từ đó đến nay, DN phải đổi hoàn toàn phương án đầu tư, từ làm thật nhanh để phát tài sang sang làm thật chậm để tồn tại.
“Sau ngày 31/10/2021 khi mà không có giá FIT, tiến độ thi công của DN chậm hơn hẳn. Bởi vì qua thời điểm giá FIT, nếu đẩy nhanh tiến độ thì càng thiệt hại hơn nên phải thi công chậm lại để giảm giá thi công”, ông Sơn giải thích.
Cùng đánh cược thua với thời hạn 31/10/2021, Nhà máy điện gió Nam Bình 1 (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đang cắn răng chịu khoản lỗ lớn. Ông Lê Văn Tiến, Phó giám đốc Nhà máy điện gió Nam Bình 1 cho biết, dự án đã hoàn thành gần 1 năm nhưng đến nay cả nhà máy hơn 1.000 tỷ đồng vẫn đứng yên. “Trung bình mỗi tháng DN vẫn phải chi phí để hoạt động nhà máy và ước tính lỗ là 10 tỷ đồng/tháng”, ông Tiến cho hay.
Trong các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai có quy mô điện gió lớn nhất với 17 dự án có tổng công suất khoảng 1.200 MW. Đến nay, các dự án điện gió ở Gia Lai cũng rơi vào tình trạng “5 ăn, 5 thua” khi có hàng trăm trụ tua bin công suất hơn 620MW tại 10 dự án bị trượt giá giá FIT, rơi vào cảnh “trùm mền”, khiến DN đứng ngồi không yên vào các chi phí cứ chất chồng theo thời gian mà doanh thu mãi bằng 0.
Cũng như nhiều nhà đầu tư điện gió cả nước, một số DN điện gió ở Gia Lai cho rằng, cú trượt ngã đau đớn của họ là do nhiều yếu tố khách quan, như dịch Covid-19 làm chậm tiến độ, những yêu cầu cứng nhắc về công nhận vận hành thương mại liên quan đến thử nghiệm kỹ thuật, đẩy nhà đầu tư rơi vào rủi ro.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KH&ĐT Gia Lai, DN điện gió chỉ có thể tự trách mình. Ở thời điểm tỉnh kêu gọi đầu tư đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã rất phức tạp. Các chính sách của Nhà nước liên quan đến điện gió cũng đã được ban hành từ trước để nhà đầu tư nghiên cứu, lựa chọn. Rõ ràng nhất là cùng một điều kiện, hoàn cảnh, vẫn có dự án hoàn thiện sớm, nên những chậm trễ càng không thể đổ lỗi cho chính quyền và chính sách.
“Có nhà đầu tư họ làm rất là quyết liệt, nhưng có nhà đầu tư họ vướng đó là vấn đề nội bộ của họ trong khi chính sách là chung. Có nhà đầu tư họ vào sau, khởi công sau nhưng vẫn hoàn thành đúng 31/10, nhưng có những DN thi công ạch khi không đủ nhân lực hoặc hợp đồng với nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ. Đấy là việc của nhà đầu tư chứ không phải của nhà nước”, ông Quế giải thích.
Việc quá nửa số dự án thất bại, dù có nguyên nhân chủ yếu từ sự non kém của nhà đầu tư và “lời ăn lỗ chịu” là quy luật của thị trường. Tuy nhiên, thất bại của các dự án điện gió ở Tây Nguyên khiến hơn 1/2 trong tổng số hơn 85.000 tỷ đồng vốn đầu tư bị lãng phí, không đơn thuần là vấn đề của hạch toán kinh doanh.
Từ lúc địa phương công bố danh mục đầu tư đến khi DN đăng ký, làm thủ tục… đến lúc hết hạn quy định tổng thời gian chỉ có gần 2 năm, trong khi đại dịch Covid-19 đã được cảnh báo từ rất sớm. Thế nhưng các địa phương vẫn ồ ạt thu hút đầu tư và các DN vẫn mạo hiểm đầu tư bằng mọi giá, vừa xếp hàng vừa chạy. Lối tư duy đánh cược, đánh quả này còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Theo VOV.VN