Đại bàng có ở lại làm tổ?

Với tiềm năng rất lớn về điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, Việt Nam đang đón nhận sự quan tâm của các “đại bàng” lớn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đại bàng có ở lại làm tổ phụ thuộc vào môi trường đầu tư.

MỘT NĂM ĐẦY SÓNG
Điện gió Việt Nam có khởi đầu khá chậm chạp và thiếu sức sống dù tiềm năng rất lớn. Sau 9 năm Chính phủ ban hành chính sách ưu tiên cho phát triển điện gió, Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/06/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát triển điện gió tại Việt Nam, đến cuối năm 2020 mới có chưa đầy 500 MW đi vào vận hành; còn dự án tiên phong đã cầm cố ngân hàng.

Năm 2021 được coi là năm bùng nổ của điện gió Việt Nam với gần 4.000 MW lắp đặt mới, tạo nên một kỳ tích của khu vực và thế giới trong bối cảnh Covid-19 càn quét khắp mọi nơi, tàn phá mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội và việc phong tỏa, cách ly đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận chuyển và lắp đặt thiết bị điện gió siêu trường siêu trọng.

Còn 2022 có thể coi là một năm buồn cho điện gió Việt Nam dù được các tập đoàn lớn cả ở trong nước và quốc tế quan tâm cao độ và mong muốn đầu tư sau thành công của năm 2021.

Thứ nhất, theo thống kê của Hội Điện gió toàn cầu, năm 2022 tốc độ gió giảm 10 -15% so với bình quân 30 năm do biến đổi khí hậu, rất nhiều nhà máy điện gió ở Việt Nam đã không đạt kế hoạch sản lượng;

Thứ hai, việc cắt giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo cả điện gió và mặt trời diễn ra thường xuyên do quá tải đường dây, có những nhà máy bị cắt giảm bình quân lên đến 20%. Việc thi công các đường dây giải tỏa công suất bị chậm nhiều so với tiến độ ban đầu đang gây ra thiếu đồng bộ giữa nguồn và lưới;

Thứ ba, sự hào hứng của các nhà đầu tư đang bị thử thách khi chính sách cho phát triển điện gió đã hết vào 31/10/2021 nhưng chưa có chính sách nối tiếp. Khoảng trống chính sách đang làm nản lòng các Nhà đầu tư và nhất là các dự án bị trễ thời hạn trên đang nằm “đắp chiếu” hơn 1 năm nay làm tổn hại rất lớn về cả tài chính và thiết bị;

Thứ tư, việc chạy đua với thời hạn 31/10/2021 đang để lại nhiều hệ lụy lớn. Ngoài việc giá đền bù bị thổi lên mức mới, những sự cố về thiết bị đã xuất hiện trong năm đầu tiên vận hành. Đã có turbine bị cháy, gãy cánh, rụng cánh… Một số chuyên gia cho rằng, những sự cố này cao hơn mức trung bình của thế giới. Nguyên nhân của những sự cố này chưa được công bố nhưng không loại trừ việc tuân thủ quy trình vận chuyển, lắp đặt và cả vận hành đã bị coi nhẹ hơn sức ép về tiến độ.

NHỮNG NÚT THẮT CẦN THÁO GỠ
Để điện gió phát triển xứng tầm, bền vững và hướng tới mục Net Zero vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), cần tháo gỡ những nút thắt sau:

Về chính sách: Có chính sách chuyển tiếp cho các sự án trễ hạn thời điểm 31/10/2021 và chính sách mới đủ dài cho các dự án điện gió trong tương lai, đặt biệt là điện gió ngoài khơi.

Về lưới điện: Năng lượng tái tạo không thể tách rời lưới điện thông minh và liên kết khu vực. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do vậy, cần làm rõ các dự án lưới điện trong Quy hoạch điện 8 và cần thiết thì điều chỉnh luật để tư nhân có thể tham gia, giống hình thức BOT đối với lĩnh vực giao thông.

Về giá điện: Cần có sự điều chỉnh cho phù hợp khi tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, càng mua nhiều điện năng lượng tái tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) càng lỗ thì việc đầu tư lưới truyền tải mới và giải tỏa công suất sẽ càng gặp khó khăn.

Điện gió là nguồn năng lượng sạch và đang là xu hướng chung của thế giới nhằm bảo vệ môi trường. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi và đang đón nhận sự quan tâm của các “đại bàng” lớn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên đại bàng có ở lại làm tổ hay không phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng