Bộ Công thương đã ban hành quyết định phê duyệt khung giá điện khí cao nhất gần 2.600 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Bộ Công thương cho biết, ngày 27.5, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định phê duyệt giá phát điện nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí hóa lỏng (LNG) năm 2024 (điện khí).
Theo Bộ Công thương, khung giá phát điện khí căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Thông tư số 57/2014.
Cụ thể, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG năm 2024 là từ 0 – 2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong đó, mức giá điện khí trần là 2.590,85 đồng/kWh.
Cũng theo quyết định của Bộ Công thương, các thông số sử dụng tính toán mức giá trần này bao gồm: công suất tinh 1.579.125 kW; suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85% (6.330,2 BTU/kWh); giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa) là 12,9792 USD/triệu BTU; tỉ giá 24.520 đồng/USD.
Bộ Công thương đề nghị, căn cứ khung giá phát điện đã được phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện sẽ đàm phán giá mua bán điện chính thức không vượt qua mức giá trần.
Theo Quy hoạch điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phải phát triển 30.424 MW điện khí; trong đó, khí tự nhiên trong nước là 7.900 MW, được thực hiện từ 10 dự án đã được duyệt trong quy hoạch; 13 dự án khí hóa lỏng với công suất 22.524 MW sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng, đây là thách thức đặt ra đối với Việt Nam. Cập nhật đến ngày 22.5, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và chưa có nhiều tiến triển. Đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Nguồn: báo Thanh Niên